THƯ GỬI ÔNG SINNETT

Thư Gửi Ông Sinnett  (tt)

 

Xem Bài Số Trước

Thư 87
Không ghi ngày tháng.
Thật là buồn bực khi người ta thấy mình bị hiểu lầm về mọi việc, ý định của mình bị hiểu sai, và trọn kế hoạch bị hư hại vì sự thúc hối bất tận này. Không bao giờ chúng tôi được tin tưởng là biết chúng tôi muốn nói gì hay sao, hay được tin - khi không có chứng cớ gì khác - là chúng tôi quyết định ngăn cản sự tiến bộ của hội Theosophy ? Ông Hume vẫn cho rằng không có nói ‘ K.H. hay bất cứ huynh trưởng nào sai’, nhưng mỗi hàng trong nhiều thư của ông cho tôi và HPB đều có ý than phiền và cáo buộc cay đắng. Nói để bạn hay, dù chúng tôi làm gì đi nữa ông sẽ không hề mãn nguyện ! Và bởi chúng tôi không thể ... kết quả sẽ là phản ứng từ lòng thèm khát vô hạn của ông và rồi - bạn tự biết hệ quả là sao. Kèm theo là hai thư ông viết cho bà nhưng với ý là để tôi xem luôn. Nào, lúc này chúng tôi không làm gì khác hơn được. Hội, như là một tổ chức, sẽ không hề suy tàn dù rằng các chi bộ và cá nhân trong hội có thể bị vậy...  Chúng tôi phải được để cho tự phán đoán lấy và phải được cho phép là người phán đoán giỏi nhất. Mọi chuyện sẽ được giải thích và trưng ra cho biết vào đúng lúc, nếu chúng tôi được để cho hành động theo ý mình. Bằng không, tốt hơn nên đóng cửa chi bộ Eclectic ! Tôi nhận không biết bao thư của ông trong tuần qua...

Thư 88
Ông Sinnett chép lại, ngày 28.9.1882
Đây là một trong những thư gây nhiều tranh cãi nhất vì nó phủ nhận ý niệm hay gặp về Thượng Đế. Thực ra nó không phải là thư mà là vài ghi chú của đức K.H., nhằm là lời tựa cho quyển sách ông Hume viết về Triết lý Huyền bí. Nguyên văn Anh ngữ hàm súc nhiều ý không thể chuyển hết sang Việt ngữ nên xin bạn đọc nguyên tác nếu được. Và nếu bạn nắm được đa số ý thì đây là một bản văn súc tích, tuyệt vời về Minh Triết Thiêng Liêng. Bài cần một chút giải thích.
– Thuyết Bất Nhị Advaya, nói rằng không có Có mà cũng không có Không, sự sống là một không thể phân chia Có và Không (sắc tức thị không, không tức thị sắc …). Nói khác đi khi còn phân biệt nhị nguyên là chưa đi tới rốt ráo.
– Thông giáo: Gnosticism (Minh Triết Thiêng Liêng)
– Bất thông agnostic: chủ trương cho rằng có những điều ta không biết được.
Giờ ta vào thư.
Triết lý của chúng tôi và chúng tôi không tin vào một Thượng Đế, càng không tin hơn hết vào thần linh nào mà tên bắt đầu bằng chữ H.(chỉ ông Hume). Trên hết thẩy nó là khoa học về hệ quả do nguyên nhân, và khoa học về nguyên nhân do hệ quả, và bởi nó cũng là khoa học của những vật sinh ra từ nguyên lý thứ nhất,  như triết gia Bacon định nghĩa, trước khi công nhận bất cứ nguyên lý nào như thế chúng ta phải hiểu nó, và không có quyền công nhận ngay cả việc có thể có nó.
Trọn giải thích của bạn hồi tháng 10 vừa qua dựa trên lời nhìn nhận độc nhất, làm vậy chỉ nhằm mục đích tranh luận. Bạn đã được cho hay là hiểu biết của chúng tôi chỉ giới hạn vào thái dương hệ này của ta, vậy với tư cách là triết gia muốn xứng đáng với tên gọi, chúng tôi không thể phủ nhận hay xác định sự hiện hữu của điều bạn gọi là một thực thể cao tột, toàn năng, thông minh nào đó bên ngoài giới hạn của thái dương hệ ấy. Nhưng
nếu sự hiện hữu như thế không phải là tuyệt đối không thể có, trừ phi sự đồng nhất của luật thiên nhiên bị phá bỏ ở giới hạn đó, chúng tôi vẫn nói rằng chuyện ấy khó mà có được. Dù sao đi nữa, chúng tôi phủ nhận rất mạnh mẽ chủ trương của thuyết bất thông agnosticism về mặt này, và cũng về thái dương hệ.
Triết thuyết của chúng tôi không hề có sự nhân nhượng. Nó hoặc xác định hoặc phủ nhận, vì nó chỉ dạy điều chi mà nó biết là sự thật. Vì vậy như là triết gia và Phật tử, chúng tôi phủ nhận Thượng Đế. Chúng tôi biết có những sự sống trên hành tinh và sự sống tinh thần khác, và chúng tôi biết trong thái dương hệ của ta không có điều gọi là Thượng Đế, hoặc cá nhân hoặc vô ngã. Parabrahm không phải là Thượng Đế, mà là luật tuyệt đối bất biến, và Iswar là hệ quả của vô minh và ảo mộng, vô minh dựa trên đại ảo ảnh. Chữ ‘Thượng Đế’ được sáng chế ra để chỉ cái nguyên nhân không biết của những hệ quả mà con người hoặc thán phục hoặc kinh sợ mà không hiểu chúng, và bởi chúng tôi tuyên bố và có thể chứng minh điều tuyên bố - tức điều hiểu biết về nguyên nhân đó và các nguyên nhân - chúng tôi ở vị thế giữ vững ý kiến là không có Thượng Đế hay các Thần Linh đằng sau chúng.
Ý tưởng về Thượng Đế không phải điều bẩm sinh mà là ý được học, và chúng tôi chỉ có một điểm khác với các lý thuyết thần học - ấy là chúng tôi tiết lộ cái vô tận. Nhưng trong khi chúng tôi gán các nguyên nhân vật chất, tự nhiên, hữu lý và biết được (ít nhất với chúng tôi) cho hết mọi hiện tượng sinh ra từ không gian vô hạn và vô biên, khoảng dài ngắn và sự chuyển động; người hữu thần gán cho chúng các nguyên nhân tinh thần, siêu nhiên, và không hiểu được, và không biết.
Thượng Đế của các nhà thần học giản dị chỉ là cái quyền năng tưởng tượng ... cái quyền năng chưa hề tự nó biểu lộ. Mục đích chính của chúng tôi là đưa nhân loại ra khỏi ác mộng này, dạy cho con người đức hạnh chỉ vì nó là vậy, và tự mình đi trong đời thay vì dựa vào cái nạng thần học, điều mà bao thời đại qua là nguyên nhân trực tiếp cho hầu hết tất cả khổ nàn của nhân loại. Chúng tôi có thể được gọi là kẻ đa thần, nhưng KHÔNG HỀ là kẻ bất thông. Nếu người ta sẵn lòng chấp nhận và xem SỰ SỐNG DUY NHẤT bất biến và vô thức vô tận của chúng tôi như là Thượng Đế, thì họ có thể làm vậy và có thêm một chữ gọi sai khổng lồ.
Nhưng rồi họ phải nói cùng với Spinoza rằng không có, và chúng ta không thể có ý niệm gì về chất liệu nào khác ngoài Thượng Đế ... chỉ có nhà thần học được nuôi dưỡng với sự huyền bí và thuyết siêu nhiên quái dị nhất, mới có thể tưởng tượng một thực thể tự hiện hữu do nhu cầu vô tận và có khắp nơi bên ngoài vũ trụ biểu lộ vô tận. Chữ vô tận chỉ là sự phủ định, gạt bỏ ý tưởng về ranh giới. Hiển nhiên là một thực thể độc lập và có khắp nơi không thể bị giới hạn bởi điều chi ở ngoài họ; và không thể có gì ở bên ngoài họ, ngay cả trống không cũng không có, vậy có chỗ đâu cho vật chất ? cho vũ trụ biểu lộ cho dù cái sau bị giới hạn ?
Nếu chúng ta hỏi người hữu thần phải chăng Thượng Đế của họ là trống không, không gian hay vật chất, họ sẽ đáp là không. Vậy mà họ bảo rằng Thượng Đế của họ thấm tràn vật chất, tuy ngài tự mình không phải là vật chất. Khi chúng tôi nói đến Sự Sống Duy Nhất của mình, chúng tôi cũng nói rằng nó thấm tràn, mà hơn thế nữa nó là tinh túy của mỗi hạt nguyên tử của vật chất, và do vậy không phải nó chỉ tương tác với vật chất mà còn có tất cả những đặc tính y vậy, v.v. - như thế nó là chất liệu, chính nó là vật chất. Năm ngoái bạn cứ hỏi là làm sao trí thông minh có thể sinh ra hay phát ra từ điều không phải là trí thông minh. Làm sao một nhân loại thông minh cao độ, con người cái đỉnh của lý trí, có thể tiến hóa từ luật hay một lực mù quáng không thông minh !
Nhưng khi ta lý luận theo đường ấy, tôi có thể hỏi lại là làm sao những ai si ngốc bẩm sinh, thú vật không biết suy luận, và trọn sự ‘sáng tạo’ khác lại được tạo ra hay tiến hóa từ Minh Triết tuyệt đối, nếu cái sau không phải là một thực thể thông minh biết suy nghĩ, là tác giả và người cai trị Vũ Trụ ? Làm sao được ? Tiến sĩ Clarke khi xem xét bằng cớ về sự hiện hữu của Thiên Liêng nói:
– Thượng Đế là người sinh ra mắt, lại không nhìn thấy ư ? Thượng Đế là người sinh ra tai, lại không nghe được ư ?
Nhưng theo cách lý luận này họ sẽ phải nhìn nhận rằng khi tạo ra kẻ si ngốc thì Thượng Đế cũng là kẻ si ngốc, và ngài - đấng tạo ra bao chúng sinh vô lý, bao quái vật về mặt hình thể và đạo đức - cũng phải là người vô lý ...
... Chúng tôi không thuộc phái Bất Nhị Advaya, nhưng chỉ dạy của chúng tôi về sự sống duy nhất thì y hệt như của phái Bất Nhị về Parabrahm. Và không ai là kẻ theo thuyết Bất Nhị chân chính lại chịu gọi mình là người bất thông agnostic, vì họ biết mình là Parabrahm và đồng nhất về mọi mặt với sự sống và linh hồn khắp nơi - đại vũ trụ là tiểu vũ trụ và họ biết là không có Thượng Đế nào ở ngoài họ ... Đã biết được Thông giáo Gnosticism (Minh Triết Thiêng Liêng) chúng tôi không thể quay lưng với nó và trở thành kẻ bất thông.
Nếu chúng tôi nhìn nhận là ngay cả các vị Dhyan Chohan cao nhất vẫn có thể sai lầm do mộng ảo, thì quả là không có thực tại cho chúng tôi, và khoa học huyền bí lẫn Thượng Đế chỉ là điều huyễn hoặc to lớn. Nếu có sự kỳ quặc khi bác bỏ điều chúng tôi không biết, thì chuyện càng lạ lùng hơn khi gán nó cho những luật không biết.
Theo luận lý, ‘không có gì - nothing’ là điều mà trong đó mọi vật có thể thật sự bị phủ nhận và không gì có thể thật sự được xác nhận. Thế  thì ý tưởng về không có gì hữu hạn hoặc không có gì vô hạn là chữ mâu thuẫn nhau. Vậy mà theo các nhà thần học, “Thượng Đế, đấng tự hiện hữu là đấng đơn giản nhất, bất biến, bất hoại nhất, không có phần nào, hình ảnh, chuyển động, khả phân, hay tính chất nào khác như ta thấy nơi vật chất. Vì những vật như thế tự ý niệm của chúng hàm ý rõ rệt và nhất thiết là hữu hạn, và tuyệt đối không phù hợp với tính vô hạn hoàn toàn”. Như thế ở đây Thượng Đế  được tôn thờ trong thế kỷ XIX - thiếu mọi đặc tính mà trí não người có thể dựa vào để phán đoán. Thực tế nó là gì nếu không phải là thực thể mà họ có thể xác nhận không có gì về nó mà không lập tức mâu thuẫn. 
Kinh thánh của họ, sách Khải huyền của họ phá bỏ mọi toàn hảo về đạo đức mà họ chồng chất cho ngài, trừ phi họ gọi là toàn hảo những tính chất mà người đời với lương tri và lẽ thông thường gọi là bất toàn, tật xấu lạ lùng và sự ác độc tàn bạo. Mà còn hơn thế nữa, ai đọc kinh Phật giáo của chúng tôi viết cho khối đông mê tín dị đoan, sẽ không tìm thấy trong đó một quái vật đầy thù hằn, bất công, tàn nhẫn quá sức và ngu dốt rất mực như bạo chúa trên trời mà người Thiên Chúa giáo hết lòng thờ phượng, và là kẻ mà các nhà thần học gán cho bao sự toàn hảo, với các điều này bị nói nghịch lại trong mỗi trang Kinh thánh của họ.
Quả thật và thật là thần học của bạn đã tạo ra Thượng Đế cho nó chỉ để hủy diệt ngài thành trăm mảnh. Giáo đường của bạn là Saturn tuyệt vời, nhân vật huyền thoại sinh ra con cái để rồi nghiến ngấu chúng.
(The Universal Mind Cái Trí Phổ Quát) - Vài suy nghĩ và biện luận phải hỗ trợ mỗi ý tưởng mới - thí dụ chắc chắn chúng tôi sẽ bị trách cứ về những điều có vẻ xem là mâu thuẫn sau.
(1) Chúng tôi phủ nhận sự hiện hữu của một Thượng Đế ý thức có suy nghĩ, với lý do rằng một Thượng Đế như vậy ắt phải hoặc có điều kiện, bị giới hạn và tùy thuộc vào sự thay đổi, bởi vậy không có không vô hạn not-infinite, hay
(2) Nếu ngài được trưng ra với chúng tôi như là một thực thể bất biến vĩnh cữu và độc lập, mà không có một hạt vật chất nào trong người , thì chúng tôi trả lời rằng đó không phải là một thực thể mà là một nguyên lý, một luật mù lòa không hề biến chuyển. Thế nhưng họ sẽ nói, chúng tôi tin vào các vị Dhyan, hay Thần linh Hành tinh, và phú cho các ngài cái trí phổ quát, và điều này phải được giải thích.
Lý lẽ của chúng tôi có thể được tóm tắt như sau.
(1) Chúng tôi phủ nhận đề nghị quái đản là có thể có, ngay cả trong một vũ trụ vô biên và vĩnh cữu, hai sự hiện hữu vĩnh cữu vô hạn và toàn hiện.
(2 Vật chất mà chúng tôi biết thì vĩnh cữu, nghĩa là không có khởi thủy vì
(a) vật chất tự nó là Thiên nhiên.
(b) vì điều chi không thể tự nó tiêu tan và không thể bị hủy diệt ắt phải hiện hữu - và do vậy nó không thể bắt đầu là, hay ngừng là.
(c) vì kinh nghiệm tích tụ qua vô số thời đại, và của khoa học chính xác cho chúng tôi thấy là vật chất  (hay thiên nhiên) hành động theo năng lực riêng đặc biệt của chúng, theo đó chớ hề có một hạt nguyên tử nào ở trong tình trạng nghỉ ngơi tuyệt đối, và do vậy nó phải luôn luôn hiện hữu, có nghĩa chất liệu của nó hằng thay đổi hình dạng, những kết hợp và tính chất, nhưng các nguyên lý hay nguyên tố của nó thì tuyệt đối bất khả hủy diệt.
(3) Còn nói về Thượng Đế - bởi chưa hề có ai đã thấy được ngài hay nó - trừ phi ngài hay nó là chính cái tinh túy và bản chất của vật chất vĩnh cữu vô biên này, sự chuyển động và năng lực của nó, chúng tôi không thể xem ngài hoặc là vĩnh cữu hay vô hạn hay còn là tự hiện hữu.
Chúng tôi từ chối không nhìn nhận một thực thể hay sự hiện hữu của điều chi mà chúng tôi hoàn toàn không biết chút gì về nó, bởi:
(a) không có chỗ cho ngài trong sự hiện diện của vật chất ấy, điều mà chúng tôi biết rất rõ đặc tính và phẩm chất không thể bác bỏ được của nó
(b) vì nếu ngài hay nó chỉ là một phần của vật chất ấy, thì cho rằng ngài là kẻ điều động và trị vì điều mà ngài chỉ là một phần tùy thuộc, là điều kỳ quặc, và
(c) vì nếu họ bảo chúng tôi rằng Thượng Đế là tinh thần thuần túy tự hiện hữu độc lập với vật chất - một thần linh ngoại vũ trụ, chúng tôi sẽ trả lời là cho dù nhìn nhận có thể có chuyện bất khả như thế, nghĩa là sự hiện hữu của ngài, chúng tôi vẫn cho rằng một tinh thần thuần túy vô vật chất không thể là người trị vì thông minh hữu thức, hay ngài có thể có những thuộc tính nào mà thần học gán cho ngài, và do đó một Thượng Đế như vậy lại trở thành chỉ là một lực mù lòa.
Trí thông minh như thấy nơi các vì Dhyan Chohan của chúng tôi là quan năng chỉ có nơi thực thể có tổ chức hay linh hoạt, dù chất liệu có tổ chức nó của khó hiểu, hay đúng hơn là vô hình, ra sao đi nữa. Trí thông minh đòi hỏi phải suy nghĩ; để suy nghĩ người ta phải có ý tưởng; ý tưởng muốn nói cảm quan là chất liệu cõi trần, và làm sao cái gì vật chất lại có thể thuộc về tinh thần thuần túy ? Nếu có phản đối về ý cho rằng tư tưởng không thể là một tính chất của vật chất, thì chúng tôi muốn hỏi tại sao ? Chúng tôi phải có bằng cớ không thể phản bác được cho giả dụ này, trước khi có thể chấp nhận nó.
Với nhà thần học, chúng tôi sẽ hỏi có gì ngăn chặn Thượng Đế của họ - vì ngài được xem là đấng tạo tác muôn loài - không phú cho vật chất khả năng tư tưởng; và khi được trả lời rằng ngài không thích làm như vậy, thì đó là điều bí ẩn cũng như là chuyện bất khả, chúng tôi muốn được cho biết là tại sao vật chất sinh ra tinh thần và tư tưởng lại bất khả hơn chuyện tinh thần hay tư tưởng của Thượng Đế sinh ra và tạo nên vật chất.
Chúng tôi không vùi đầu vào cát trước bí ẩn của cái trí, vì chúng tôi đã giải quyết nó từ nhiều thời đại trước. Khi bác bỏ với sự chê bai thuyết thần học, chúng tôi cũng bác bỏ y vậy thuyết tự động, cái dạy rằng những trạng thái tâm thức được sinh ra bằng cách điều động phân tử của não bộ; và chúng tôi không phục giả thuyết khác, cái nói rằng tâm thức sinh ra chuyển động của phân tử. Vậy chúng tôi tin vào điều chi ? Nào, chúng tôi tin nhiều vào điều bị cười chê là phlogiston (xin đọc bài ‘What is Force and What is Matter’ - Lực và Vật Chất PST 75), và tin vào điều mà một số triết gia gọi là nisus, sự chuyển động hay gắng sức không ngừng tuy hoàn toàn không cảm biết được (do cảm quan thông thường) của một thể làm với một thể khác, sự máy động của vật chất trơ, sức sống của nó. 
Các thể của những Thần linh Hành tinh làm bằng chất mà người ta gọi là phlogiston còn chúng tôi gọi bằng tên khác - tinh chất này ở mức thứ bẩy cao nhất của nó làm thành vật chất cho những thể thanh khiết nhất và cao nhất của vị Dhyan, còn ở mức thấp nhất hay trọng trược nhất (nó không thể sờ chạm được và khoa học gọi nó là năng lực và lực), được dùng để khoác cho các vị thần linh ở mức thứ nhất hay mức thấp nhất. Nói khác đi chúng tôi chỉ tin vào VẬT CHẤT mà thôi, vật chất như thiên nhiên hữu hình và vật chất ở dạng vô hình như Proteus vô hình ,toàn năng toàn hiện với chuyển động không ngừng của nó, điều là sự sống của nó và là điều mà thiên nhiên rút lấy từ chính mình, vì nó là trọn khối vĩ đại mà không có gì hiện hữu ở ngoài nó...
Vậy sự hiện hữu của vật chất là một sự kiện, sự hiện hữu của chuyển động là một sự kiện khác, sự tự hiện hữu của chúng và tính vĩnh cữu hay bất khả hủy diệt là sự kiện thứ ba. Và cái ý tưởng về một Thực Thể hay một sự Hiện Hữu - bạn gọi nó bằng tên gì cũng được - như là tinh thần thuần túy thì là huyễn ảo, điều vô lý vĩ đại.

 Ý tưởng của chúng tôi về điều Ác.
Điều Ác tự nó không hiện hữu và chỉ là sự thiếu vắng điều thiện, và nó chỉ hiện hữu cho ai bị thành nạn nhân của nó. Nó sinh ra từ hai nguyên nhân, và là nguyên nhân độc lập trong thiên nhiên không hơn gì điều thiện ... Con bướm mà bị con chim ăn trở thành con chim đó; và con chim nhỏ bị con vật ăn sẽ đi vào một hình thể cao hơn. Đó là cái lực mù lòa về nhu cầu và sự thích hợp mãi mãi của vật, và do vậy không thể gọi là Điều Ác trong Thiên nhiên. Điều ác đúng thật phát sinh từ trí thông minh của người, và nguồn gốc của nó hoàn toàn do con người biết lý luận nhưng tách biệt mình với thiên nhiên. Vì vậy, chỉ riêng Nhân Loại là nguồn gốc đích thực của điều ác.
Điều ác là sự quá độ của điều thiện, là con cái sinh ra do lòng ích kỷ và tham lam của con người. Hãy nghĩ sâu xa và bạn sẽ thấy ngoại trừ sự tử - việc không phải là điều ác mà là luật cần thiết, và tai nạn, việc sẽ luôn luôn có phần thưởng của nó trong kiếp vị lai - nguồn cơn của mọi điều ác dù nhỏ hay lớn nằm trong hành động của người, nơi ai mà trí thông minh làm họ thành một tác nhân tự do của thiên nhiên. Không phải thiên nhiên là kẻ sinh ra bệnh tật, mà là con người. Sứ mạng và vận mạng của người trong sự vận hành của thiên nhiên, là chết cái chết tự nhiên do tuổi già mang lại; ngoại trừ tai nạn, không một ai là người dã man hay thú hoang chết vì bệnh.
Thực phẩm, liên hệ tình dục, thức uống, tất cả là nhu cầu tự nhiên của sự sống, nhưng khi chúng quá độ thì mang lại bệnh tật, khổ sở, đau đớn, tâm thần và vật chất, và điều sau được truyền đi như là điều ác lớn lao nhất cho các thế hệ về sau, con cháu của kẻ có tội. Tham vọng, lòng ước ao tạo được hạnh phúc và sự thoải mái cho những ai mà ta thương yêu, bằng cách có được vinh dự và của cải, là những cảm xúc tự nhiên đáng khen, nhưng khi chúng biến con người thành kẻ độc đoán tàn nhẫn đầy tham vọng, kẻ rít róng, người vị kỷ ích kỷ thì chúng sinh ra khổ não không kể được cho những ai quanh họ; cho quốc gia cũng như là cá nhân.
Bởi thế tất cả những điều này - thực phẩm, sự giầu sang, tham vọng và một ngàn chuyện khác ta không thể kể hết ra, trở thành nguồn cội và nguyên nhân của điều ác vì có nhiều hay không có. Trở thành kẻ tham ăn uống, chơi bời, độc đoán và bạn thành kẻ sinh ra bệnh tật, đau đớn và khổ não cho con người. Thiếu tất cả điều này và bạn chết đói, bị khinh khi  như là kẻ bất tài vô tướng, và đa số đồng loại khiến bạn bị đau khổ cả đời. Như vậy không phải thiên nhiên hay thánh thần tưởng tượng nào là kẻ đáng trách, mà nhân tính trở nên thấp hèn do lòng ích kỷ. Hãy suy gẫm kỹ về những chữ ấy; hãy tìm mọi nguồn cội của điều ác mà bạn có thể nghĩ ra, và truy nguyên gốc gác của chúng là bạn sẽ giải quyết được một phần ba vấn đề của điều ác.
Và nay, sau khi nhìn nhận những điều ác tự nhiên và không thể tránh được, - và bởi chúng quá ít nên tôi thách thức toàn bộ những nhà siêu hình học Tây phương có chịu gọi chúng là điều ác hay truy thẳng chúng tới được một nguyên nhân độc lập - tôi sẽ vạch ra cái nguyên nhân chính, lớn lao nhất của gần hai phần ba những điều ác đã theo đuổi con người kể từ khi nguyên nhân ấy thành một quyền lực. Nó là tôn giáo dưới bất cứ hình thức nào và ở bất cứ quốc gia nào. Nó là giai cấp tăng lữ, hàng giáo sĩ và giáo hội; chính trong những ảo tưởng con người xem là linh thiêng, mà họ phải tìm nguồn gốc của bao điều ác, là lời nguyền rủa lớn lao cho nhân loại và gần như làm choáng ngợp con người. (còn tiếp)

The Mahatma Letters to A.P. Sinnett